Côn Đảo hay còn có tên gọi khác là Côn Lôn, Côn Sơn có diện tích khoảng 76 km² gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ.
Đảo Côn Lôn
Đảo Côn Lôn là hòn đảo trung tâm trong 16 hòn đảo lớn, nhỏ của Côn Đảo. Đảo Côn Lôn từ đông sang tây dài 15km, chỗ rộng nhất 9km, chỗ hẹp nhất khoảng 1km. Với diện tích 51,250 km², đảo Côn Lôn chiếm gần 2/3 tổng diện tích quần đảo. Trên đảo có thị trấn Côn Sơn nằm ở tọa độ 8o 40’57’’ vĩ độ bắc, 106o 36’10’’ kinh độ đông. Nói đến quần đảo Côn Lôn là nói đến hòn đảo này, vì đời sống kinh tế , chính trị và xã hội của cả quần đảo tập trung ở đây.

Hòn Bà (Hòn Phú Sơn, Côn Lôn Nhỏ)
Hòn Bà (hay còn gọi là Hòn Phú Sơn, Côn Lôn Nhỏ) có diện tích tự nhiên là 576 ha, là đảo lớn thứ ba trong quần đảo Côn Sơn. Hòn Bà nối liền với hòn Côn Sơn bằng Cửa Tử, tạo thành vịnh Bến Đầm. Đây là vịnh kín gió, rộng là nơi neo đậu trú bão của tàu thuyền ngư dân trên biển.
Tài nguyên rừng trên Hòn Bà đa dạng và phong phú có nhiều cây gỗ quý, hiếm và nhiều loài động vật quý, hiếm đặc hữu như Khỉ đuôi dài, Sóc đen Côn Đảo, Heo rừng, Kỳ đà, chim rừng…
Khi đến Trạm kiểm lâm Hòn Bà, du khách đi bộ xuyên rừng để khám phá rừng ngập mặn nguyên sinh, tắm biển, bơi lội có kiếng lặn và ống thở xem san hô và sinh vật biển; hoặc du khách có thể leo núi chinh phục Đỉnh Tình Yêu, với độ cao 352m và các đỉnh núi lân cận quan sát toàn bộ vịnh Bến Đầm và các đảo xung quanh.
Theo truyền thuyết, khi được biết chúa Nguyễn Ánh muốn sang cầu cứu quân xâm lược Pháp, và nhất là ý muốn gửi Hoàng tử Cải sang làm con tin cho việc cầu viện bên Pháp, bà Phi Yến đã lựa lời khuyên can nhưng chẳng những Chúa Nguyễn Ánh không nghe mà còn khép cho Bà tội thông đồng với quân Tây Sơn nên đã đem giam Bà vào một hang đá trên đảo nên gọi là Hòn Bà ngày nay.
Ngoài tour thả rùa, lặn ngắm san hô tại Hòn Cau và Hòn Bảy Cạnh, hòn Bà cũng là một địa điểm du lịch mới đáng để du khách cân nhắc. Đến với hòn Bà, du khách sẽ được tham quan rừng kết hợp sinh thái biển. Bao gồm leo núi, ngắm cảnh thiên nhiên, quan sát động vật hoang dã, tắm biển, bơi lội xem san hô, tham quan rừng ngập mặn.
Tham gia hành trình này, bạn sẽ được trải nghiệm vô vàn những điều thú vị. Nổi bật nhất chính là khám phá về hệ sinh thái rừng ngập mặn. Hoặc chèo thuyền Kayak lênh đênh giữa biển, lặn ngắm san hô. Ngoài ra, đạp xe khám phá cây di sản giữa rừng hay chinh phục Đỉnh Tình Yêu cũng là một hoạt động cực kỳ tuyệt vời mà bạn không nên bỏ qua.
Trong quá trình chinh phục tour hikking tại hòn Bà, thì bạn phải đến được Cảng Bến Đầm trước. Xe máy là phương tiện di chuyển thích hợp nhất để đi Cảng Bến Đầm. Từ Trung tâm thị trấn, du khách mất khoảng 30 phút chạy xe để đến Cảng Bến Đầm. Nhưng bạn cứ yên tâm vì đó là cung đường cực kì bằng phẳng và tuyệt đẹp, bao quanh một bên là núi và một bên là biển.
Sau khi đến Cảng Bến Đầm, bạn sẽ di chuyển ra hòn Bà bằng tàu nhỏ, chỉ mất khoảng 15 phút. Hòn Bà hiện ra mang vẻ đẹp hoang sơ với những bãi cát trắng mịn trải dài.
Hòn Bảy Cạnh
Hòn Bảy Cạnh nằm ở phía Đông của đảo Côn Sơn, có diện tích 683 ha, gồm hai phần đảo nối liền với nhau bằng doi cát ở giữa gọi là Bãi Cát Lớn. Toàn bộ đảo được che phủ bởi rừng nhiệt đới hải đảo, về động vật hoang phân bố các đặc hữu, quý, hiếm như Sóc mun, Sóc đen Côn Đảo, kỳ đà, trăn, rắn, một số loài chim biển…
Hệ sinh thái rừng ngập mặn khu vực bãi Bờ Đập là rừng ngập mặn nguyên sinh được hình thành trên nền cát lẫn san hô chết. Mặc dù với diện tích không lớn (khoảng 5,1 ha) nhưng sự tồn tại của hệ sinh thái rừng ngập mặn đã góp phần hoàn chỉnh tính liên kết giữa các hệ sinh thái như: Hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới trên núi cao, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái thảm cỏ biển và hệ sinh thái các rạn san hô.

Không gian biển hòn Bảy Cạnh được quy hoạch là phân khu phục hồi sinh thái và phân khu bảo vệ nghiêm ngặt
Tài nguyên biển xung quanh hòn Bảy Cạnh có dạng sinh học cao, với nhiều loài sinh vật biển như: các rạn san hô với thành phần loài đa dạng, các loài trai, ốc, hải sâm, cá sống trong rạn san hô, rùa biển, cỏ biển, rong biển….nên được quy hoạch là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phục hồi sinh thái phục vụ cho công tác bảo tồn thiên nhiên.
Bãi Cát Lớn trên hòn Bảy Cạnh là 01 trong 14 bãi đẻ trứng của rùa biển Côn Đảo và là bãi biển có số lượng rùa lên đẻ trứng nhiều nhất ở Côn Đảo. Trong mùa sinh sản (từ tháng 4 – 9 hàng năm), đêm ít nhất 1 – 2 cá thể, đêm nhiều có từ 20 – 30 cá thể rùa mẹ lên bãi làm tổ và đẻ trứng.
Ngọn Hải Đăng ở phía Đông Bắc đảo do Pháp xây dựng từ năm 1884 đến nay vẫn đang hoạt động, hướng dẫn tàu thuyền đi lại trong khu vực. Du khách đi theo đường mòn ven núi lên ngọn Hải Đăng để ngắm nhìn cảnh quan bao la và hùng vỉ của trời và biển Côn Đảo.
Hòn Cau
Hòn Cau khá nổi tiếng bởi trước đây là một làng cổ thời vua Gia Long với tên “Xóm Bà Thiết”. Hòn Cau là một trong hai đảo thuộc quần đảo Côn Sơn có nguồn nước ngầm.
Phía trước Hòn Cau có bãi Cát trắng trải dài dọc theo dãy núi hình cánh cung, xen lẫn hàng dừa và cây Phong Ba sừng sững chắn gió xanh bất tận, sâu lắng tiếng sóng vỗ rì rào, từng làn sóng tung bọt trắng xóa, kéo du khách hòa vào không gian tuyệt vời của đất, trời và biển. Hòn Cau cũng là một địa ngục trần gian khác nữa, giam giữ những nhà họat động Cách Mạng mà nổi tiếng nhất phải kể đến Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào khoảng thời gian 1930 – 1931.

Đến với Hòn Cau, du khách thăm di tích lịch sử giam giữ nhà hoạt động cách mạng nỗi tiếng Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào năm 1930 – 1931; tham quan rừng dừa, vườn cây ăn trái, tìm hiểu công tác bảo tồn thiên nhiên, bơi lội xem san hô… là những khoảnh khắc, những trải nghiệm đầy thú vị khó quên và tận hưởng cảnh đẹp hoang sơ và môi trường trong lành.
Hòn Trác Lớn
Hòn Trác Lớn (hay con gọi là Hòn Phú Hưng) diện tích 0,250km², nằm kế Mũi Cá Mập Côn Đảo. Hòn Trác Lớn cũng nằm ngay cạnh mũi Cá Mập, giữa đảo Côn Sơn với hòn Tài Lớn, hòn Tài Nhỏ. Hòn đảo Trác Lớn có diện tích 14 ha. Từ cầu tàu 914, du khách có thể nhìn thấy rất rõ cảnh quan trên hòn Trác Lớn với cây cối xanh tốt quanh năm, rất nhiều loài động vật quý hiếm như chim biển, rùa biển…
Trên Hòn Trác Lớn có một bãi tắm siêu đẹp, nước trong vắt màu ngọc bích nên rất thích hợp để tắm biển hoặc lặn ngắm san hô.
Hòn Trác Nhỏ
Hòn Trác Nhỏ (Hòn Phú Thịnh) diện tích 0,100km², nằm kế Hòn Trác Lớn, Hòn Trác Nhỏ nằm ngay cạnh Hòn Trác Lớn, có hình dáng giống như hình oval.
Hòn Trác Nhỏ cũng là nơi tập hợp của rùa biển vào mùa sinh sản và xung quanh đảo có rất nhiều rặng san hô đủ màu sắc, hình dáng cho du khách khám phá.
Hòn Tài Lớn
Hòn Tài Lớn (Phú Bình) diện tích 0,380km², nằm kế Hòn Trác Nhỏ. Hòn Tài Lớn nằm về phía Đông Nam của đảo Côn Sơn.
Nhìn trên bản đồ vệ tinh, hòn Tài Lớn có hình dáng giống một hình thoi khổng lồ xanh ngắt với diện tích lên tới 34 ha. Hòn Tài Lớn nằm cách mũi Cá Mập chỉ khoảng 1km nên di chuyển tới đây rất dễ dàng. Du khách tới đây thường lựa chọn tắm biển, nghỉ ngơi bên bãi biển cát trắng mịn, cùng với đó là đi khám phá thiên nhiên hoang dã và thăm rùa đẻ trứng, xe khỉ mặt đỏ, lặn ngắm san hô.
Ngoài ra đây còn là một ngư trường nuôi ngọc trai lớn ở Côn Đảo. Nếu muốn, bạn có thể đăng ký tour đi khám phá quy trình sản xuất ngọc trai thiên nhiên vô cùng thú vị.
Hòn Tài Nhỏ
Hòn Tài Nhỏ (Phú An), còn gọi là hòn Thỏ, diện tích 0,100km² có hệ động thực vật phong phú, đặc biệt là loài thỏ rừng đặc hữu.
Truyền thuyết kể lại rằng, có hai anh em sinh đôi, người anh là Đặng Phong Tài, em là Đặng Trác Vân, ứng lệnh vua Hàm Nghi đứng lên chống Pháp. Sau đó thất bại, hai anh em lần lượt bị bắt và bị đày ra Côn Đảo. Trong thời gian ở đảo, người anh cưới một cô vợ người địa phương tên là Đào Minh Nguyệt. Vì hai anh em sinh đôi rất giống nhau, lại chung sống trong một gia đình, nên nhiều lần người chị dâu xinh đẹp luôn nhầm lẫn giữa chồng và chú em chồng mà mình cảm mến. Để tránh sự hiểu lầm đáng tiếc xảy ra và không muốn làm anh trai bị tổn thương, nên Đặng Trác Vân đã bỏ sang một hòn đảo nhỏ. Người anh rất thương em, nên có ý đi tìm. Nhưng khi sang tới nơi thì người em lại bỏ trốn sang hòn đảo khác. Cứ như thế hai anh em đuổi nhau trên mấy hòn đảo, nhưng không gặp được nhau. Về sau mỗi người chết trên một hòn đảo. Hòn Trác – Hòn Tài có tên từ đó.
Hòn Trọc
Hòn Trọc (Phú Nghĩa) còn gọi là hòn Trai nằm về phía tây đảo Côn Sơn, và chỉ cách hòn đảo chính này khoảng vài trăm mét. Đảo có diện tích khá nhỏ, chỉ khoảng 0,4km² nhưng lại là nơi sinh sống của rất nhiều loài trai, ốc, trong đó có loài trai làm ngọc quý hiếm mang lại giá trị cao.
Hòn Tre Lớn
Hòn Tre Lớn (Phú Hòa) diện tích 0,750km², nẳm ở phía tây đảo Côn Lôn, cách cảng Bến Đầm 5km. Tài nguyên rừng có nhiều loài thực vật đặc trưng như: Bàng biển, Bàng vuông, Phong ba,… Động vật rừng có Sóc mun, kỳ đà, trăn, rắn, một số loài chim biển, Yến hàng, Bồ câu Nicoba, chim Gầm ghì trắng,..
Tài nguyên biển rất đa dạng và phong phú như: các loài cá sống trong rạn san hô, trai tai tượng ốc bàn tay, rùa biển,… nên không gian biển khu vực quanh đảo Hòn Tre Lớn được quy hoạch là phân khu phục hồi sinh thái.
Hòn Tre Lớn có bãi cát nhỏ, trắng, mịn, là bãi có nhiều rùa biển lên đẻ trứng xếp thứ hai (sau bãi Cát Lớn, Hòn Bảy Cạnh) của rùa biển Côn Đảo. Mỗi năm có hàng trăm cá thể rùa mẹ lên bãi làm tổ và đẻ trứng. Để đến được Hòn Tre Lớn, du khách có thể đi tàu hoặc ca nô từ cảng Bến Đầm hoặc từ bãi Ông Đụng.
Hòn Tre Nhỏ
Hòn Tre Nhỏ (Phú Hội) diện tích 0,250km². Hòn Tre này có những bụi tre dày, thân trắng. Nằm về phía Tây đảo Côn Sơn, cách bãi Ông Đụng 2 km.
Thực vật phân bố trên đảo chủ yếu là cây tre nên gọi là Hòn Tre Nhỏ. Hòn Tre Nhỏ là sân chim trên biển, hàng năm từ tháng 5 – 9 có hàng ngàn lượt chim di cư từ phương Bắc về đây làm tổ và đẻ trứng như: Nhàn mào, Hải âu, các loài Nhạn biển…

Nằm về phía Tây đảo Côn Sơn, cách bãi Ông Đụng 2 km, có diện tích 11 ha. Thực vật phân bố trên đảo chủ yếu là cây tre nên gọi là Hòn Tre Nhỏ. Hòn Tre Nhỏ là sân chim trên biển, hàng năm từ tháng 5 – 9 có hàng ngàn lượt chim di cư từ phương Bắc về đây làm tổ và đẻ trứng như: Nhàn mào, Hải âu, các loài Nhạn biển…
Hòn Trứng
Hòn Trứng là hòn đảo nằm xa nhất về phía Đông Bắc, nằm trong quần thể đảo của Vườn quốc gia Côn Đảo. Hòn Trứng là một hòn đảo nhỏ với diện tích chỉ vỏn vẹn chưa đến 2ha và hầu như không có loài thực vật nào sinh sống, ngoài một ít cỏ cây rải rác trên các mỏm đá với hình thù kỳ dị được xếp chồng lên nhau.
Hòn Trứng còn được mệnh danh là sân chim biển quan trọng và lớn nhất Đông Nam Á, với mật độ chim và mật độ tổ chim cực kỳ cao. Đặc điểm này làm nổi bật tầm quan trọng của hòn đảo trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và duy trì quần thể chim biển trong khu vực.
Vườn Quốc gia Côn Đảo đã ghi nhận được 5 loài chim biển di cư về đảo Hòn Trứng làm tổ, đẻ trứng gồm: Nhàn lưng đen, Nhàn mào lớn, Chim Điên bụng trắng, Yến hông Trắng, Nhàn đầu xám. Chúng thường làm tổ khắp đảo và kiếm ăn xung quanh đó. Ban ngày chúng bay lượn tìm mồi trên mặt biển, thay nhau về Hòn Trứng nghỉ chân, làm tổ, đẻ trứng, chăm sóc con non…

Mật độ trứng trung bình tại sân chim Hòn Trứng là 4,88 trứng/m². Với diện tích theo thống kê của Hòn Trứng là 1,49ha, tương đương 14.900m2. Điều đó có nghĩa, hiện trên Hòn Trứng có khoảng 72.712 trứng chim biển.
Hòn Trứng cùng với Vườn quốc gia Côn Đảo, được công nhận là Khu RAMSAR – danh hiệu quốc tế cho các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng toàn cầu và nằm trên tuyến di cư chim Úc – Đông Á (EAAFP).
Việc bảo tồn thành công Hòn Trứng và Vườn quốc gia Côn Đảo không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam mà còn đóng góp đáng kể vào nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường trong khu vực Đông Nam Á và trên toàn cầu.
Hòn Vung
Hòn Vung (Phú Vinh) diện tích 0,150km². Giống như chiếc vung nồi úp chụp xuống mặt biển xanh. Hòn Phú Vinh nằm cạnh Hòn Bà.
Hòn Vung là một hòn đảo nhỏ nằm ngay sát phía Nam của đảo Hòn Bà. Đảo Hòn Vung có cảnh quan thiên nhiên không quá đặc biệt nên thường có ít du khách tới ghé thăm hòn đảo này.
Hòn Anh
Đảo Hòn Anh có khoảng cách đến cầu cảng Bến Đầm (Côn Đảo) là 47,2 km, tên gọi Hòn Trứng Lớn là do một số người làm du lịch đặt cho đảo, riêng ngư dân Côn Đảo và các tỉnh lân cận thì gọi là Hòn Nhạn.
Hòn Anh cách cửa biển Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) khoảng 80km về hướng Tây Nam. Nhìn trên hải đồ, hòn đảo này nằm gần Bạc Liêu nhiều hơn so với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Mùa gió Nam là mùa câu mực, ngư dân Bạc Liêu đa số đánh lưới nên không ở khu vực hòn mà đi xa hơn nữa. Nhìn từ xa, nó giống hình dáng con hà mã đang trầm mình trong nước biển. Khi chạy quanh mới thấy hòn gồm 2 phần, một chỏm đá nhỏ có cột đá dựng đứng và một đảo đá có cây mọc, vách đá khá nhẵn, hơi nghiêng, trên đỉnh có những tảng đá nằm meo ra hướng biển như sắp rơi xuống.
Hòn Trứng Lớn không có người ở, thực vật ở đây phần nhiều là dứa gai, nhàu, các loại dây leo, cỏ. Trên đỉnh có một khe nước ngọt, có thể vốc tay uống.
Hòn Em
Hòn Em nằm cách Hòn Anh gần 7 km, đảo này còn được gọi là Hòn Trứng Nhỏ. Trên đảo Hòn Em chỉ có vài bụi dây leo đang chết khô và mấy khóm sam biển, dương xỉ. Còn lại là những tầng đá xám xếp lớp từ dưới mặt biển lên độ cao khoảng hơn 100 m.
Chim nhạn Hòn Em sống chủ yếu ở các hốc, khe đá và đặc biệt là ở những hang đá giáp mặt biển. Thời điểm chúng tôi lên đảo, nắng nóng đã làm khô cháy hầu hết cây leo hiếm hoi, nên chim nhạn biển chọn đẻ trứng nhiều ở những bụi này, nằm la liệt.
Ở điểm cao nhất của đảo Hòn Em cũng đã xây dựng một mốc giới bằng bê tông thô, ở phần thân ghi chữ “tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”, nền sơn đỏ, chữ sơn vàng. Gần cột mốc giới là cột cờ, 4 phía ốp thành cờ đỏ sao vàng phía trên. Mặt phía đông của cột cờ gắn lư hương, lọ hoa, đĩa đựng đồ lễ.
Ảnh, bài: taucaotoc.vn